Dễ dàng kiếm bộn tiền từ cao su phế thải


Lịch sử của ngành tái chế phế thải cao su bắt đầu vào năm 1820, từ câu chuyện thiếu nguyên liệu sản xuất áo mưa bằng vải tráng cao su của Charles Macintosh, một nhà sáng chế người Scotland. Để giải quyết khó khăn, ông đã tìm cách tái sản xuất cao su dư thừa.

Ngày nay, tái chế cao su phế thải đã trở thành một ngành công nghiệp được nhiều nước phát triển, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh các sản phẩm đã được sản xuất thành công như dầu đốt, ống dẫn nước..., gần đây, Tiến sĩ Mai Ngọc Tâm, Giám đốc Trung tâm vật liệu xây dựng miền Nam (TP.HCM), đã giới thiệu thêm một số ứng dụng mới từ cao su phế thải. Công nghệ có, tính năng đã được công nhận nhưng vốn đầu tư lại là bài toán nan giải đối với vị tiến sĩ này.


Cần 1 tỉ đồng cho công nghệ Việt Nam


Nhận xét về 50 m2 gạch cao su của Tiến sĩ Tâm được lắp đặt thử nghiệm tại trường tiểu học Huỳnh Khương Ninh (Q1, TP.HCM), theo bà Đồng Thị Thìn, hiệu trưởng Trường: "Sản phẩm rất tốt, không trơn trượt, khi trẻ ngã không bị xây sát, lắp đặt đơn giản, ít bị lão hóa dưới ánh sáng mặt trời".

Cùng ý kiến này, ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Công chính TP.HCM, đơn vị chấp thuận cho lắp đặt thử 50 m dãy phân cách bằng cao su trên đường Nguyễn Văn Trỗi (Q3, TP.HCM) từ tháng 5-8.2007, khẳng định, "Mức độ lão hóa của sản phẩm dưới ánh nắng rất ít, sơn không bong tróc, có thể giảm mức độ nguy hiểm đối với người tham gia giao thông nếu có tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, sản phẩm cần được gia cường thêm khung xương cứng để ổn định và dễ lắp đặt hơn".

Theo Tiến sĩ Tâm, chỉ trừ sản phẩm dải phân cách đường cần có sự đồng ý của các cơ quan chức năng, gạch và tấm lót sàn từ cao su phế thải chắn chắn sẽ được tiêu thụ tốt do nhu cầu xây sân thể thao, trường học... rất cao. Hiện một vài doanh nghiệp trong và ngoài nước (chuyên thi công sân tennis và sân thể thao đa năng) đã tỏ ra rất quan tâm đến tấm lót sàn của ông và các cộng sự. Vậy vì sao lại không tiếp tục sản xuất cung ứng cho thị trường? "Tất cả phụ thuộc vào vốn đầu tư", Tiến sĩ Tâm cho biết.

Theo ước tính của ông, để sản xuất gạch và tấm lót sàn từ cao su phế thải, phải đầu tư xưởng xay cao su với số vốn khoảng 1 tỉ đồng, công suất 1 tấn/giờ và một lượng vốn khác để mua nguyên liệu cũng như đầu tư vào công nghệ (vốn nguyên liệu chiếm 80% giá thành trên mỗi sản phẩm). Riêng về phần công nghệ, ông cho biết có thể thỏa thuận hợp tác với nhà đầu tư nào quan tâm.

Tuy nhiên, thời gian thu hồi vốn từ việc đầu tư này chưa được Tiến sĩ Tâm tính toán cụ thể.


Và 2 triệu usd cho công nghệ từ Úc


Sản phẩm dải phân cách và gạch lót sàn bằng cao su sẽ góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do cao su phế thải gây nên. Theo tính toán của Quỹ tái chế TP.HCM, chỉ tính riêng ôtô, mỗi năm thành phố có thêm 10.000 chiếc. Như vậy lượng ruột, lốp xe bỏ đi là rất lớn. Trong khi đó, phương thức xử lý hiện nay chủ yếu vẫn là chôn và đốt.

Song song với việc góp phần bảo vệ môi trường, các sản phẩm mới này còn có giá trị kinh tế cao. Giá của chúng rẻ hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại làm bằng vật liệu truyền thống. Tiến sĩ Tâm cho biết, giải phân cách bằng cao su phế thải có giá khoảng hơn 600.000 đồng/m2, chỉ bằng 1/3 giá sản phẩm bằng nhựa PVC và thép. Tương tự, gạch cao su có giá khoảng 150.000 đồng/m2, rẻ hơn so với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc (gần 200.000 đồng/m2).

Ngoài công nghệ tái sử dụng cao su phế thải để sản xuất dải phân cách đường, gạch và tấm lót sàn, ông cũng đang tìm hiểu thêm công nghệ của Công ty e4e (Úc), khử lưu hóa cao su (loại bỏ lưu huỳnh độc hại của cao su khi đốt) bằng chất xúc tác để tái chế cao su phế thải thành cao su nguyên liệu. Đây là công nghệ tái chế cao su thành cao su nguyên liệu mới nhất hiện nay, không gây ô nhiễm môi trường, tạo ra cao su nguyên liệu có các tính chất cơ lý tương đương 90% cao su thiên nhiên. Trong khi đó, hiện hầu hết các công nghệ tái sinh cao su ở Việt Nam đều gây ô nhiễm môi trường và tạo ra sản phẩm cao su tái sinh với chất lượng không cao.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét